Suối Biếc Lưu Ly
"Suối Biếc Lưu Ly" là thực hành Dược Sư Phật xuất phát từ kho tàng tâm của bậc phát lộ kho tàng giáo pháp chôn dấu terton Namchö Mingyur Dorje (1645–1667) và thuộc về kho tàng Thiên Pháp (namchö). Chính đức Karma Chakmé (1616–1678) là người đã biên soạn thực hành hiện tại từ những bản văn này. Trong lịch sử tâm linh của Tây Tạng, cuộc đời của 2 Đạo sư này luôn gắn bó khăng khít bất phân. Đức Karma Chakmé thứ nhất, còn gọi là Rāga Asya, đã tu luyện với các Đạo sư Kagyu và Nyingma vang danh nhất trong thời của ngài, bao gồm cả đức Karmapa thứ 10, Chöying Dorje, (1604–1674), Ngài đã theo học trong một năm rưỡi, là đệ tử thân cận, nhận được nhiều giáo lý, quán đảnh và khai thị Đại Thủ Ấn. Karma Chakmé soạn tác rất nhiều, tổng các tác phẩm vào khoảng 60 tập và Bài khẩn cầu vãng sinh Cực lạc Sukhavati của Ngài phổ biến khắp thế giới Phật giáo Tây Tạng.
Năm 1659, Karma Chakmé công nhận và tấn phong Mingyur Dorje khi mới 10 tuổi. Vị terton trẻ tuổi bắt đầu nhận được những linh kiến thanh tịnh phát lộ ở tuổi 13 và Karma Chakmé đã ghi chép trong 3 năm tiếp theo khi cả 2 cùng nhập thất. Cuối cùng, những phát lộ và giáo lý của Mingyur Dorje đã lên đến 13 tập. Karma Chakmé đã soạn tác câu chuyện về cuộc đời của Mingyur Dorje, dịch sang tiếng Anh là "Tiếng Sấm Du Dương Thâm Nhập Cùng Khắp: Câu chuyện giải thoát bên ngoài của Terton Mingyur Dorje".
Thực hành nghi quỹ Phật Dược Sư này phát xuất từ giáo pháp kết hợp của 2 vị Đạo sư tràn ngập thần lực gia trì của chính 2 Ngài. Bản văn súc tích nhưng vẫn bao gồm tất cả những gì cần thiết để mang lại an lạc tinh thần, cảm xúc và thể chất. Giống như các thực hành Bổn Tôn khác, nó có thể đưa đến Giác ngộ viên mãn.